Mẹ ơi, nếu nay con về quê cũ,
Sẽ thấy gì ngoài một lũ Việt gian,
Luôn hung tàn bạo ngược với dân Nam,
Lại hèn nhát cắt giang san dâng giặc ?
Bao thế kỷ chống kẻ thù phương Bắc,
Cha ông ta hằng nếm mật nằm gai,
Có ngờ đâu chỉ mấy chục năm dài,
Đất nước đã mất vào tay Tàu đỏ.
Dân tộc Việt trải qua ngàn sóng gió,
Có khi nào khốn khó thế này đâu.
Nếu con về chứng kiến cảnh bể dâu,
Con sẽ phải thét gào vì uất hận.
Con sẽ thấy, từ sau ngày mạt vận,
Một quê hương phá sản tận cội nguồn,
Một lũ người bại hoại đến buồn nôn,
Một xã hội đã chôn vùi nhân tính.
Trẻ chẳng được dạy điều ngay lẽ chính,
Tóc chưa đầy, hồn đã dính bùn đen.
Bậc cha ông đầu độc tiếp con em,
Ba thế hệ giong thuyền len bến ác.
Đám sài lang khắc bạc,
Đạn lên nòng, áp đặt xuống đầu dân,
Một chế độ phi nhân,
Một guồng máy rặt toàn quân khủng bố.
Con sẽ thấy công an dàn nghẹt phố,
Chúng hăng say đi bắt bớ dân lành.
Và chỉ vì mảnh đất chúng rắp ranh,
Sẵn sàng giở thói súc sanh của đảng.
Con sẽ thấy những đường dây xuất cảng,
Mà món hàng, thật cay đắng con ơi,
Là những người gái nhỏ tuổi đôi mươi,
Thân xác bán, nổi trôi gì cũng mặc.
Con sẽ thấy bầy ranh con nứt mắt,
Tung tiền như cây rắc lá rừng thu,
Trong khi dân đỏ mắt kiếm từng xu,
Tương lai mãi mịt mù như mộng ước.
Con sẽ thấy những người dân yêu nước,
Chỉ vì lòng căm phẫn trước ngoại bang,
Cất cao lời bảo vệ mảnh giang san,
Mà bị chúng đem bắt giam hàng loạt.
Con sẽ thấy một quê nhà tan nát,
Bọn Tàu phù ào ạt kéo nhau sang,
Rồi ngang nhiên xây phố với dựng làng,
Cấm dân Việt chàng ràng vô địa hạt.
Con cũng sẽ ngậm ngùi nghe tiếng hát,
Tiếng tụng kinh, tiếng lần hạt Mân côi,
Tiếng gông cùm... từ ngục tối xa xôi,
Ngày đêm vẫn liên hồi vang vọng lại.
Chúng to miệng rêu rao câu hòa giải,
Nhưng thẳng tay sát hại kẻ thù xưa,
Dù từ lâu họ thất thế sa cơ,
Trơ trọi giữa ván cờ tàn nghiệt ngã.
Trên xuống dưới, toàn lưu manh dối trá,
Chốn làm quan, bằng cấp giả ê hề,
Chỗ học hành, cũng gian lận chán chê,
Khắp cả nước, chỉ thấy "Nghè" với "Cống" !
Chẳng còn chút mảy may nào hy vọng,
Khi bao lâu giặc Cộng vẫn cầm quyền,
Khi dân mình vẫn thống khổ triền miên,
Khi đất nước còn xích xiềng nô lệ.
Con của Mẹ, khoan trở về con nhé,
Vì quê mình nước mắt sẽ còn rơi.
Đừng góp phần nuôi sống lũ đười ươi,
Hãy tranh đấu để đợi thời cơ tới.
Đừng ham danh ham lợi,
Mà mắc tội với non sông.
Cũng đừng nghe chúng dụ dỗ xiêu lòng,
Về "du lịch" hay vướng tròng "từ thiện".
Hãy nhớ đến những đêm liều vượt biển,
Những kiếp người tan biến dưới đại dương,
Những tiếng than kêu cứu giữa đêm trường,
Những dòng lệ đau thương còn lã chã.
Nhưng thưa Mẹ, nếu Trời làm phép lạ,
Cho quê hương lại tỏa ánh Cờ Vàng,
Cho bốn vùng hết sạch bóng sài lang,
Cho hạnh phúc lại tràn như thác lũ,
Thì con sẽ trở về thăm quê cũ,
Dù nhà mình đà đổ nát xác xơ,
Dù bên song chẳng ai đợi ai chờ,
Và mộ Mẹ đã phai mờ nét chữ.
Mấy mươi năm biệt xứ,
Tháng Tư về, nỗi nhớ có nào nguôi.
-Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 4/2013
-------------------------
BA MƯƠI THÁNG TƯ, BÁC Ở ĐÂU?-Tiểu Quyên
Thưa bác,
Nhiều năm qua bác nhắc đi nhắc lại về chuyện Ba Mươi tháng Tư. Bác nói rằng mỗi người đều có một ngày Ba Mươi tháng Tư cho riêng mình. Bác vẫn hỏi một câu. Lúc ấy quý vị đang ở đâu? Thưa bác, ngày Ba Mươi tháng Tư năm 75 cháu đi nhận xác chồng ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Xin kể đầu đuôi như sau:
Người yêu của cháu, chồng sắp cưới của cháu là Nguyễn Đông Thành, Trung Úy Biệt Động Quân Đơn vị đóng tại Chân Thành vào thời kỳ 1975. Từ lúc ra trường Thủ Đức, anh làm Trung Đội Trưởng Tác Chiến cho đến khi lên đến Trung Úy Đại Đội Trưởng đã bị thương 4 lần. Một lần bị thương nặng phải nằm nhà thương hai tháng. Còn các lần khác chỉ bị thương nhẹ.
Cháu gặp anh trong một lần nữ sinh đi ủy lạo chiến sĩ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi quen nhau. Sau đó chúng cháu đôi khi lại còn cầu cho bị thương nhẹ để có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Một lần anh chỉ bị trẹo chân vì nhảy trực thăng mà được nghỉ đến gầ n một tháng.
Đó là lần bị thương hạnh phúc nhất của chúng cháu. Gia đình hai bên đã có dịp gặp nhau sau khi chúng cháu về thưa với cha mẹ. Đầu năm 75 đã làm đám hỏi. Chờ đến đầu tháng 5-1975 là làm đám cưới. Cháu có ông cậu làm Trung Tá ở Sài Gòn quen biết nhiều nên hy vọng sẽ giúp cho anh Đông Thành đổi về đơn vị hậu cứ hay về Bộ Quốc Phòng.
Tết 75, hai đứa chúng cháu đến mừng tuổi cậu và xin cậu chạy giúp Chạy đây là nói hộ chứ không phải tiền bạc gì hết. Cậu cháu coi tướng anh Thành và rất hài lòng để mừng cho cháu gái. Cậu khen vị hôn phu của cháu tuy còn trẻ nhưng rất đẹp trai và tướng mạo đàng hoàng. Anh mới có 22 tuổi, còn cháu 19 tuổi vào năm 1975. Cháu cũng khá cao mà anh Thành còn cao hơn cháu cả đầu người. Anh chơi thể thao cả xà ngang và xà dọc nên người rất tài tử. Bạn học trường Gia Long đứa nào cũng thích Trung Úy Đông Thành của cháu.
Tuy nhiên, khi hỏi chuyện về đơn vị của Thành thì ông cậu của cháu hơi ngần ngại. Cậu nói rằng năm trước có xin cho con một anh bạn đóng đồn được đổi về tỉnh. Chỉ một tuần sau anh Thiếu Úy lên thay thế bị hy sinh. Bà mẹ anh này đi thưa Giám Sát Viện về tội ăn tiền đổi người để đưa con bà vào chỗ chết. Vì vậy cậu cháu nói để chờ một thời gian, đơn vị rút từ Chân Thành về hậu cứ rồi sẽ xin đổi sau.
Người yêu của cháu cũng rất tự ái nên không hề nói gì thêm, cứ bấm tay cháu gạt đi không muốn đề cập đến việc xin thuyên chuyển nữa. Từ biệt ông cậu xong, hai đứa ra về. Cháu giận anh ấy hết sức, nhiều lúc chỉ muốn cho ra trận chết đi cho rồi.
Đàn ông mới hơn hai mươi tuổi mà đã muốn làm anh hùng. Gia đình anh ấy con một, xin hoãn dịch cũng còn được chứ ai lại đi Biệt Động Quân. Quanh năm hành quân, đôi khi ở đơn vị còn có lệnh phải cạo trọc đầu cho thêm dữ dội. Nhưng nói gì thì nói, anh Đông Thành dù để tóc dài hay tóc ngắn thì trông vẫn đẹp như tài tử Pháp Alain Delon. Cháu rất hãnh diện đi với anh ở đường Nguyễn Huệ. Nhưng hai đứa đâu có được dịp đi chơi với nhau nhiều lần. Qua tháng 3-1975, có tin địch uy hiếp Chân Thành, gia đình hai bên và riêng cháu lo lắng ngày đêm. Rồi tin từ Bộ Chỉ Huy là đơn vị Biệt Động Quân ở Chân Thành có lệnh rút. Quân đội cho lệnh bỏ Chân Thành.
Chưa bao giờ cháu lại vui mừng khi được tin quân ta rút như vậy. Là một học sinh chưa được 20 tuổi, cháu chỉ mong người yêu sớm trở về bình yên. Quân đội muốn bỏ đâu thì bỏ. Muốn rút đâu thì rút. Nhưng đau khổ chưa, đúng như cháu đã lo ngày lo đêm. Đơn vị cho người đưa tin về nhà để đi nhận xác Đông Thành vào ngày 25 tháng 4-1975. Người lính ở đơn vị nói rằng anh ấy đã chiến đấu anh dũng ra sao, hy sinh như thế nào, chẳng còn lòng dạ nào mà nghe chuyện. Sao bao nhiêu người còn sống ở Sài Gòn không ra mà anh dũng hy sinh.
Trời đất công bình ở chỗ nào. Đi lính có ba năm mà bị thương đến 4 lần, rồi mới chết. Đông Thành của cháu hiền lành như thế, có làm hại ai đâu mà phải chết oan uổng như vậy. Sau khi được tin cháu cứ như điên dại rồi đi theo gia đình lên Nghĩa Trang Quân Đội nhận xác người yêu. Dù chưa cưới nhưng cháu đã khai là chồng. Mấy ông đòi hôn thú vì tưởng cháu muốn xin tiền chồng chết. Xin tiền tử tuất với 12 tháng lương. Cháu quyết liệt nhận xác chồng dù chẳng có hôn thú.
Đất nước có còn đâu mà lãnh tiền. Anh Đông Thành nằm như ngủ. Đạn vào ngực, vào tim, vào bụng nhưng mặt anh vẫn nguyên lành. Anh nằm đó vẫn đẹp như thiên thần. Anh về bằng trực thăng trên băng ca đúng như trong bài ca, đúng như trong tiểu thuyết. Bên cạnh xác anh có nhiều đồng bạn cũng chết nhưng vì để lâu nên bốc mùi hôi thối.
Nhiều gia đình cũng đến nhận xác. Đàn bà trẻ con khóc la ầm ỹ. Cháu cũng hòa theo tiếng khóc nức nở. Gia đình chôn xác anh ngày 27 tháng 4-1975, buổi chiều thì ra về nhưng cháu ở lại. Cháu trốn vào khu Nghĩa Dũng Đài nhưng người nhà lại tưởng bạn cháu chở về Sài Gòn. Suốt những ngày cuối tháng 4 đau khổ cháu tha hồ khóc. Trên Nghĩa Trang Biên Hòa toàn là gia đình tử sĩ nên cũng không ai chú ý. Có gia đình đem theo Radio nên mở ra nghe tin tức chiến sự. Rồi dân di tản ở bốn phương trời kéo nhau về tạm trú. Họ dựng lều ngay bên cạnh các phần mộ.
Khu lính chết đã lâu thì có mộ bia và tấm Ciment bên trên. Khu mới chết thì chỉ đắp đất. Có cả trăm cả ngàn ngôi mộ. Những ngày đầu thì có nhiều xác chở về bằng trực thăng. Về sau xác chở về toàn bằng xe nhà binh. Sau cùng thì đủ các thứ xe chở xác về Đơn Vị Chung Sự.
Nơi để xác có máy lạnh nhưng không có điện nên trở mùi hôi thối. Nhiều xác chở đến để ngay dưới đất, trời nắng bốc mùi làm cho các gia đình ở gần phải dở lều di chuyển đi nơi khác. Ông sĩ quan trách nhiệm chôn cất nóng nẩy gắt gỏng và anh em chôn cất làm việc rất vất vả. Ai cũng có mùi rượu và dầu Nhị Thiên Đường đầy người.
Đến ngày 30 tháng 4, khi có lệnh đầu hàng thì không còn ai trách nhiệm. Lúc đó đã xuất hiện người của cộng sản ra gom dân gom lính chạy loạn bắt phải đào hố chôn tập thể. Một anh Công Binh của ta lấy xe đào các hố thật lớn, rồi đưa tất cả các xác lính Việt Nam Cộng Hòa chôn tập thể. Có gia đình cố dành lại xác người thân tự đào lỗ chôn riêng. Cháu thấy một gia đình chỉ có người vợ trẻ với mấy đứa con tám chín tuổi ạch đụi bới đất chôn chồng.
Cháu tìm cuốc đến giúp một tay và thấy mình đã bớt điên. Thấy cảnh hai đứa nhỏ cùng mẹ móc đất chôn bố, cháu thấy cuộc chiến tranh vô nghĩa biết chừng nào. Và sự đau khổ của mình cũng chẳng phải là duy nhất. Đứa con gái chừng 10 tuổi và đứa em trai 6 tuổi vừa khóc vừa móc đất giúp mẹ. Cháu sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này.
Sau đó qua ngày 2 tháng 5-1975, cháu quá giang xe của người ta về lại Sài Gòn. Năm 1980, cháu lập gia đình với một anh Thủ Đức còn trẻ có 2 năm cải tạo. Chúng cháu vượt biên rồi vào Mỹ. Chồng cháu rất hiểu biết nên tôn trọng mối tình đầu của cháu với Đông Thành.
Từ mùa Xuân 1993, chúng cháu cứ vài năm lại về Sài Gòn và lần nào cũng lên Nghĩa Trang Biên Hòa Cháu có theo dõi chương trình tảo mộ chui của các bác. Lần nào cũng khấn vái cho anh Đông Thành phù hộ công việc của hội. Cháu có thuê người làm cho anh Thành tấm Ciment đúng kích thước như các ngôi mộ khác chứ không muốn xây cho thật lớn. Anh Thành đã muốn được chết như các chiến hữu thì phải để anh nằm giống như các bạn của anh.
Cháu vừa thương mà vừa giận anh biết chừng nào. Người yêu của cháu là mối tình đầu, anh chính là hình ảnh của chiến tranh Việt Nam. Cháu vừa ghét lại vừa thương. Đã 30 năm qua rồi mà tình cảm vẫn không thay đổi. Bác đã hỏi rằng, ngày Ba Mươi tháng Tư cháu ở đâu? Vâng, 30 tháng 4-1975, cháu đi chôn chồng ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Vậy thì phần bác, Ba Mươi tháng Tư, bác ở đâu?
Tiểu Quyên
Viết tặng các con của mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét